Tìm đúng địa điểm và thời điểm để ghi lại cảnh đêm đầy sao | Nhiếp ảnh thiên văn với Luke Tscharke Phần 1
Trước đây, chỉ có kính thiên văn tiên tiến mới có thể chụp rõ nét hình ảnh bầu trời đêm và cũng chỉ một số người tiếp cận được công cụ này. Giờ đây, trên thị trường đã xuất hiện các mẫu máy ảnh siêu zoom có khả năng ghi lại các thiên thể trong những bức ảnh tuyệt đẹp. Nhờ đó, mọi người đều có cơ hội thử sức với nhiếp ảnh thiên văn.
Đối với Luke Tscharke, nhiếp ảnh gia người Úc đang làm việc tại Tasmania, điều này cung cấp cho anh phương tiện để dấn thân hơn nữa vào niềm đam mê trọn đời với các hành tinh, những chòm sao và thiên hà cách hệ mặt trời của chúng ta hàng nghìn năm ánh sáng. Bộ sưu tập những hình ảnh ấn tượng thể hiện vẻ đẹp của bầu trời đêm mà Luke đã chụp bao gồm nhiều bức ảnh từng đoạt giải thưởng và các tác phẩm đóng góp thường xuyên cho Tạp chí Địa lý Úc.
Trong phần đầu tiên này của chuỗi ba bài viết về nhiếp ảnh thiên văn, hãy đồng hành cùng Luke trong hành trình khám phá bí mật để tìm ra thời gian và địa điểm hoàn hảo nhằm ghi lại những bức ảnh khiến mọi người phải trầm trồ về các thiên thể:
Những nguồn sáng, đặc biệt là các thành phố, có thể gây ra ô nhiễm ánh sáng trên quy mô rộng, che lấp bầu trời đêm cũng như vẻ lấp lánh tự nhiên của những ngôi sao, hành tinh và thiên hà.
Luke cho biết: “Khi tìm kiếm địa điểm, chúng ta nên cân nhắc một số yếu tố chính. Trong đó, điều quan trọng nhất là địa điểm này cần cách xa thành phố hoặc bất cứ nguồn sáng lớn nào vì những nơi này khiến bạn khó lòng ghi lại được hình ảnh rõ nét của các vật thể trên bầu trời sâu thẳm mà bạn muốn chụp”.
Luke thích chụp cảnh đêm, một hình thức nhiếp ảnh thiên văn ghi lại phong cảnh vào ban đêm. Như vậy nghĩa là địa điểm anh chọn cũng có thể tạo nên những bức ảnh đẹp vào ban ngày. Lựa chọn yêu thích của anh là các khối đá tàn dư ở biển, núi và những kiến trúc như ngọn hải đăng.
Luke chia sẻ rằng: “Quy tắc chung là nếu một nơi không cho ra bức ảnh thú vị vào ban ngày thì nhiều khả năng cũng sẽ không tạo được hình ảnh đẹp vào ban đêm”.
Luke tìm kiếm địa điểm mới trên mạng bằng những trang web cung cấp thông tin về các khu vực ít bị ô nhiễm ánh sáng nhất.
Bầu trời càng trong, các vì sao càng sáng rõ
Hãy chú ý đến dự báo thời tiết và đảm bảo rằng bầu trời quang đãng vào đêm bạn muốn chụp. Bầu trời mùa hè thường quang đãng hơn nhưng bạn vẫn cần xem xét một số yếu tố bên ngoài như khói từ những đám cháy rừng và các hạt khác trong khí quyển vì chúng có thể làm tầm nhìn mờ đi. Ngược lại, bầu trời mùa đông thường trong và sắc nét hơn nhưng những đám mây vẫn có thể cản trở việc chụp ảnh thiên văn.
Luke giải thích: “Thời tiết sẽ luôn thay đổi. Bầu trời có thể nhiều mây vào mùa hè hoặc quang đãng vào mùa đông. Do đó, tốt nhất là bạn nên linh hoạt và kiểm tra dự báo về tình trạng mây trước khi ra khỏi nhà để biết hôm đó có phù hợp cho việc chụp ảnh không”.
Lựa chọn thời điểm phù hợp
Hãy nghĩ về việc Dải Ngân Hà xuất hiện và biến mất giống như cách mặt trời mọc rồi lặn. Mỗi ngày, thiên hà mọc lên từ đường chân trời phía đông sớm hơn chỉ chưa tới 4 phút so với ngày trước đó. Như vậy nghĩa là trong suốt cả năm, thiên hà sẽ xuất hiện ngày càng sớm hơn.
Nếu bạn muốn chụp cảnh Dải Ngân Hà mọc lên từ hướng đông, thời điểm thích hợp nhất sẽ là những buổi đêm từ tháng 4 đến tháng 6. Ngược lại, bạn sẽ chụp được hình ảnh thiên hà lặn ở hướng tây đẹp nhất từ tháng 9 đến tháng 11.
Nhiếp ảnh gia này đưa ra gợi ý rằng: “Bầu trời đêm thay đổi trong suốt cả năm nên điều đầu tiên bạn cần làm là nghiên cứu. Tình trạng bầu trời cũng phụ thuộc vào việc bạn đang ở phần nào của địa cầu. Do đó, hãy đảm bảo bạn nghiên cứu trước khi tới địa điểm chụp để tránh phải thất vọng”.
Xem xét độ sáng của mặt trăng
Mặt trăng là vật thể sáng nhất trên bầu trời đêm nên có ảnh hưởng lớn đến khả năng nhìn thấy các vì sao. Khi mặt trăng chuyển từ trăng tròn sang trăng non, bầu trời cũng dần tối hơn trong suốt cả tháng. Theo Luke, khoảng 10 ngày quanh giai đoạn trăng non của mỗi tháng là lúc bầu trời đủ tối để chụp ảnh thiên văn. Điều kiện lý tưởng nhất là khi mặt trăng có độ sáng dưới 25%, đủ thấp để chụp ảnh bầu trời đêm quang đãng với những vì sao sáng và các vật thể khác trên bầu trời sâu thẳm.
Anh nói thêm: “Bạn cũng nên lưu ý rằng đôi khi trăng chỉ mọc sau thời điểm lý tưởng nhất để quan sát Dải Ngân Hà. Do đó, hãy tận dụng khoảng thời gian mặt trăng không xuất hiện trong tầm nhìn vì khi đó, bầu trời sẽ đủ tối và bạn sẽ chụp được những bức ảnh với các thiên thể sáng rõ”.
Tìm cảm hứng từ tác phẩm của những người khác
Cách dễ nhất để tìm địa điểm chụp phù hợp là đi tới nơi bạn nhìn thấy trong tác phẩm của các nhiếp ảnh gia khác. Khi làm theo cách này, hãy tìm góc chụp khác hoặc vị trí mới để ảnh chụp của bạn độc đáo và khác biệt. Cảm hứng có ở mọi nơi và việc tái hiện lại bức ảnh bạn thích là không hề sai trái. Điều quan trọng là bạn cần biết cách thêm điểm nhấn của mình vào ý tưởng của những nhiếp ảnh gia mà bạn ngưỡng mộ.
Luke chia sẻ rằng: “Hãy tìm cảm hứng từ tác phẩm của những người khác nhưng nhớ là luôn phải thêm điểm nhấn của riêng mình vào đó. Hãy phát huy khả năng sáng tạo của bạn và tìm ra cách thể hiện cùng một địa điểm theo cách độc đáo và toát lên phong cách riêng của bạn”.
Chụp ảnh bầu trời đêm trong thành phố
Luke cho biết dù việc chụp ảnh tại địa điểm phù hợp sẽ tốt hơn nhưng không có nghĩa là bạn không thể chụp ảnh thiên văn trong thành phố. Tuy nhiên, vì thành phố là nguồn sáng lớn có thể cản trở độ sáng lý tưởng của bầu trời nên bạn sẽ chỉ chụp được ảnh trong những điều kiện nhất định. Nếu bạn sống tại hoặc gần thành phố và muốn thử chụp ảnh thiên văn ngay mà không phải đợi tới khi đến được địa điểm phù hợp, đừng lo lắng! Sau đây là bí quyết của Luke để chụp ảnh bầu trời đêm trong thành phố:
- Tìm thời điểm bầu trời không có mây với ánh sáng và độ mù khí quyển thấp nhất có thể.
- Thời điểm 2-3 giờ sáng là thời gian tuyệt vời để chụp ảnh vì hầu hết mọi người đều đang say giấc, nhiều công trình đóng cửa nên ô nhiễm ánh sáng sẽ ở mức thấp nhất.
- Nên chọn giai đoạn trăng non hoặc ít nhất là khi trăng không ở trên bầu trời vào thời điểm chụp.
- Sử dụng kính lọc chống ô nhiễm ánh sáng cho ống kính để chặn một lượng ánh sáng nhất định, tránh cho ánh sáng này che khuất bầu trời đêm trước máy ảnh.
- Tránh xa nguồn sáng sáng nhất ở gần bạn. Đi đến bờ biển và chụp về phía biển là cách bắt đầu hiệu quả vì hướng này có rất ít hoặc không có ánh sáng.
Mặc dù việc tìm kiếm vị trí chụp ảnh thiên văn của riêng bạn có thể sẽ khó khăn và thời tiết có thể không ủng hộ bạn nhưng bí quyết chính là tính linh hoạt! Như Luke chia sẻ thì “bạn vẫn có thể xoay chuyển tình huống bằng cách tìm những thứ thú vị để chụp, chẳng hạn như vẽ tranh bằng ánh sáng. Sau cùng, yếu tố quyết định là quá trình lập kế hoạch chiến lược và nghiên cứu kỹ lưỡng. Hãy dấn bước và tìm kiếm những bầu trời quang đãng!”